Tước hiệu
Mẹ Sầu Bi gắn liền với nỗi đau khổ và sự cay đắng của
cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta. Theo truyền
thống, những đau khổ và cay đắng này của Mẹ không chỉ
giới hạn trong cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa
Giêsu, mà hơn nữa, nó bao gồm trong bảy niềm đau, hoặc
bẩy sự khổ sầu như những lưỡi gươm đâm thấu và
để lại những vết cắt suốt đời trong Trái Tim Mẹ.
Bẩy niềm
đau:
-Lời tiên
tri của Simêon: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho
nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy,
và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần
Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư
nhiều tâm hồn được biểu lộ.” (Luca 2:34-35)
-Cuộc di cư
của Thánh Gia qua Ai Cập (St. Matthew 2:13, 14).
-Lạc mất và
tìm thấy trẻ Giêsu trong Đền Thờ (St. Luke 2: 43-45).
-Gặp Chúa
Giêsu trên đường lên Núi Sọ.
-Đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu trong lúc Chúa bị
đóng đinh.
-Ôm xác
Chúa Giêsu trong lòng sau khi hạ xác xuống khỏi thập
giá.
-Táng xác
Chúa trong mồ đá.
Cũng chính
vì lý do này, trong một số hình vẽ, các họa sỹ đã trình
bày Trái Tim của Mẹ bị vòng gai nhọn bao quanh, hoặc bẩy
lưỡi gươm đâm thâu. Quan trọng hơn hết là ý nghĩa của
những nỗi đau này đã phản ảnh lời Fiat (xin vâng) mà Mẹ
đã thưa với Tổng Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin.
Theo Lm. Fr. William Saunders qua bài
viết “The Feast of Our Lady of Sorrows” [1] đây, Lễ kính
Mẹ Đau Thương đã được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ 12,
dưới nhiều tước hiệu, phát xuất từ những tài liệu được
các đan sỹ Biển Đức ở thế kỷ trước đó. Và rồi đến thế kỷ
mười bốn và mười lăm, lễ này đã được cử hành trên toàn
Giáo Hội.
Lễ kính Mẹ
Sầu Bi:
Một cách
đặc biệt, năm 1482, lễ đã được ghi vào Sách Lễ Roma dưới
tước hiệu, Đức Mẹ Sầu Bi (Our Lady of Compassion) nhấn
mạnh đến tình yêu thương cao cả của Mẹ Thánh Đức đã phải
chịu trong cuộc thương khó của Con. Chữ compassion bắt
nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là cắm rễ và đau khổ tức
là sầu khổ với. Sự đau khổ của Đức Maria vượt xa tất cả
chúng ta, bởi vì Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, Đấng không chỉ là
Con của Mẹ mà còn là Chúa của Mẹ và cũng là Đấng Cứu
Thế. Mẹ đã cùng chịu đau khổ với Con của mình. Năm 1727,
Đức Giáo Hoàng Benedict XIII đã truyền ghi Lễ Mẹ Sầu Bi
vào Lịch Giáo Hội, Thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá. Lễ này
đã được sửa đổi và được ghi trong Sách Lễ Roma (Roman
Missal) năm 1969.
Theo lịch
sử Phụng Vụ Giáo Hội, năm 1668, lễ kính Bẩy Niềm Đau
(Seven Dolors) đã được cử hành vào Chúa Nhật sau 14
tháng 9, Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Lễ Mẹ Sầu Bi đã được ghi
vào Lịch Roma năm 1814. Sau này Thánh Giáo Hoàng Piô X
đã quyết định cử hành vào ngày 15 tháng 9.
Ý nghĩa
tước hiệu Sầu Bi:
Mẹ Sầu Bi,
Mẹ Đau Thương, Mẹ Bẩy Niềm Đau cũng chính là Mẹ Rất
Thánh đã đứng một cách trung thành và can đảm dưới chân
thánh giá hiệp dâng Con của mình lên Thiên Chúa để cứu
chuộc nhân loại. Hình ảnh này đã được Thánh Ký Gioan ghi
lại: Từ trên thánh giá, nhìn xuống thấy Mẹ và môn đệ
Người yêu, Chúa Giêsu đã nói với Mẹ mình: “Hỡi bà,
đây là con bà”. Gioan là đại diện những người con mà
Mẹ đã sinh ra dưới chân thập giá. Cũng qua người môn đệ,
Ngài phán với tất cả chúng ta: “Này là mẹ con.” (Gioan
19:26-27)
Công Đồng
Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Dogmatic
Constitution on the Church) đã viết: “Mẹ đã đứng đó
theo như ý định của Thiên Chúa, sẵn sàng cùng chịu đau
khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với
cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến
tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra” (no. 58)*
Thánh
Bênađô (d. 1153) đã viết: “Ôi lạy Mẹ Rất Thánh, một lưỡi
gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ…Người đã chết trong thân xác
do tình yêu lớn lao hơn bất cứ ai có thể cảm thấu. Mẹ đã
chết trong tâm hồn qua tình yêu không giống như bất cứ
ai vì Ngài” (De duodecim praerogatativs BVM).
Suy niệm về
sự đau đớn của Mẹ Rất Thánh chúng ta, Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã lưu ý các tín hữu rằng Mẹ Maria Rất
Thánh đã trở nên người an ủi những ai sầu khổ tâm hồn
cũng như thể xác. Mẹ biết những nỗi đau của chúng ta,
bởi vì chính Mẹ đã đau những nỗi đau ấy. Từ Belem tới
núi Calvary. ‘Lòng Mẹ đã bị một lưỡi gươm đâm thâu’.
Maria là người Mẹ Tinh Thần của chúng ta, người Mẹ luôn
luôn thấu hiểu con cái mình và luôn an ủi chúng khi gặp
sầu khổ. Vì sứ mệnh đặc biệt của Mẹ là yêu thương chúng
ta. Mẹ đã nhận sứ mệnh này từ trên thánh giá Chúa Giêsu
để chỉ yêu thương chúng ta và luôn luôn cứu vớt chúng
ta. Nhưng cách mà Mẹ Maria an ủi chúng ta hơn hết là chỉ
cho chúng ta Đấng Bị Đóng Đinh và Đấng An Ủi của chúng
ta. (1980)
Vì vậy, khi
tôn kính Mẹ Rất Thánh của chúng ta, Đức Mẹ Sầu Bi, là
chúng ta tôn vinh Người như một môn đệ trung tín và một
mẫu gương của đức tin. Chúng ta hãy cầu xin cùng Mẹ như
lời cầu mở đầu của Thánh lễ hôm nay:
“Lạy Chúa,
khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho
Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ.
Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết
hiệp với Ðức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục
sinh vinh hiển cùng với Ðức Kitô là Thiên Chúa hằng sống
và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến
muôn thuở muôn đời.”**
Bẩy lời hứa
của Đức Mẹ:
Qua thánh
Bridget. Đức Mẹ đã hứa ban cho những ai sùng kính và
hằng ngày đọc 7 kinh Kính Mừng, suy niệm về Bẩy Sự
Thương Khó của Người những ơn sau:
1. Mẹ sẽ
ban ơn bình an cho gia đình của họ.
2. Họ sẽ
được soi sáng về những mầu nhiệm thiêng liêng.
3. Mẹ sẽ an
ủi họ trong những lúc đau thương. Và Mẹ sẽ đồng hành với
họ trong công việc thường ngày của họ.
4. Mẹ sẽ
ban cho họ nhiều hơn những gì họ cầu xin nếu những gì họ
xin không chống lại thánh ý đáng tôn thờ của Con chí
thánh Mẹ, hoặc ngăn cản sự thánh hóa linh hồn họ.
5. Mẹ sẽ
bênh đỡ họ trong những trận chiến thiêng liêng với kẻ
thù muôn thuở và sẽ che chở họ khỏi mọi nguy hiểm trong
đời sống.
6. Mẹ sẽ
đến thăm viếng, an ủi họ trong giờ lâm chung, và họ sẽ
được nhìn thấy dung nhân Mẹ.
7. Mẹ sẽ
xin Con chí thánh Mẹ cho những ai quảng bá lòng tôn sùng
này được vào nơi hằng sống ngay sau khi chấm dứt cuộc
đời này, bởi vì mọi tội lỗi của họ sẽ được tha và Con Mẹ
cùng với Mẹ sẽ là nguồn ủi an và vui mừng của họ.
___________
[1] https://www.catholiceducation.org
› culture › the-feast-...
The Feast of Our
Lady of Sorrows
*Công Đồng
Vaticanô II. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ủy Ban Giáo Lý
Đức Tin. Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012.
** Tổng
Giáo Phận Hà Nội. Archdiocese of Ha Noi. Lời
nguyện nhập lễ. Ngày 15/9: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
|